Những Địa Điểm Du Lịch Thành Phố Hồ Chí Minh
Với du khách nước ngoài hoặc từ nơi xa đến sẽ thấy Sài Gòn là một điểm đến thích thú với nhiều điểm thăm quan mãn nhãn cùng văn hóa, ẩm thực phong phú. Nếu chuẩn bị có chuyến thăm quan mảnh đấy này bạn không nên bỏ qua một số điểm du lịch Sài Gòn dưới đây:
Thăm các bảo tàng Thành Phố Hồ Chí Minh
Bảo tàng lịch sử có chức năng bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc qua các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, giám định, kiểm kê, bảo quản, bảo vệ, phục chế, phục hồi, trưng bày, thuyết minh, tuyên truyền, xuất bản ấn phẩm, maketing… với 16 phòng giới thiệu các tư liệu, hiện vật có liên quan đến lịch sử Việt Nam, các tỉnh phía Nam Việt Nam, các nước trong khu vực nhằm góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Việt Nam, đáp ứng, thoả mãn nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu cũng như thưởng ngoạn của khách tham quan trong và ngoài nước về 4000 năm lịch sử Việt Nam.
Thời gian mở cửa: 8h00 – 11h00 & 13h30 – 17h00
Bảo tàng Chứng Tích Chiến Tranh
Bảo tàng Chứng Tích Chiến Tranh
Bảo tàng Chứng Tích Chiến Tranh được xếp là 1 trong 10 điểm tham quan thú vị nhất do khách nước ngoài và khách trong nước bình chọn tháng 11/2009 bởi hình ảnh, tư liệu và hiện vật sinh động, phản ánh rất thật nỗi đau, sự tàn bạo và hệ lụy của chiến tranh. Đây là bảo tàng chuyên đề nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về những chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam. Ở khoảng sân trong khuôn viên để máy bay F5, đại bác 175mm, bom CBU, bom địa chấn nặng đến 7 tấn… điểm ấn tượng là 1 máy chém của Pháp đưa sang từ năm 1911.
Thời gian mở cửa: 7h30 – 12h00 & 13h30 – 17h00
Kiến trúc đẹp, cổ điển và cực kỳ thoáng mát khiến bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Dưới thời Ngô Đình Diệm, tòa nhà này vẫn thường được gọ là dinh Gia Long. Hiện nay bảo tàng trưng bày tranh ảnh, hiện vật theo 3 chuyên đề: Các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam, thiên nhiên thành phố Hồ Chí Minh, các nghề thủ công truyền thống như đan lát, chạm gỗ, đúc đồng, đóng ghe thuyền…
Bảo tàng là Bến Nhà Rồng xưa, nơi Bác Hồ xuống tàu Amiral Latouche Tréville bôn ba nước ngoài hơn 30 năm để tìm đường cứu nước. Tại đây lưu giữ hình ảnh, tư liệu, hiện vật, hồi ký về lịch sử cách mạng, tư tưởng đạo đức và cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Người. Bên cạnh đó, bảo tàng còn tuyên truyền giáo dục rộng rãi tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh đi sâu vào quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Bảo tàng nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày tư liệu và hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Bảo tàng đặt tại TP.HCM vì Người là người con ưu tú của nhân dân Nam bộ, người công nhân ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Sài Gòn – chợ Lớn, là tấm gương, niềm tự hào của nhân dân Nam bộ thành đồng. Đến với bảo tàng, du khách và người dân TP.HCM có thể hồi tưởng và cảm nhận một phần sự phát triển của phong trào đấu tranh của công nhân, nhân dân lao động Sài Gòn vào những năm đầu thế kỷ XX bởi những phong trào này gắn liền với tên tuổi chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Thời gian mở cửa: 7h30 – 11h00 & 13h30 – 17h00
Bảo tàng Chiến Dịch Hồ Chí Minh
Bảo tàng trưng bày nhiều bộ sưu tập, hiện vật độc đáo, quý giá thể hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ chiến dịch đường 14 – Phước Long, chiến dịch Tây Nguyên – Huế – Đà Nẵng đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngoài ra, bảo tàng còn có sa bàn điện tử 60m2 cùng phòng chiếu phim hiện đại tái hiện lại toàn bộ chiến dịch mạch lạc và hấp dẫn, đem đến cảm xúc nhân thực về bối cảnh và diễn biến của sự kiện trong lịch sử.
Thời gian mở cửa: 8h00 – 11h30 & 13h30 – 16h30
Tiền thân của bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ là nhà truyền thống phụ nữ Nam bộ được xây dựng theo tâm nguyện và ý chí của các thế hệ phụ nữ đi trước nhằm giữ gìn, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam cho các thế hệ mai sau. Bảo tàng trưng bày trang phục vùng miền, đồ trang sức, dụng cụ lao động sản xuất, dụng cụ sinh hoạt, truyền thống làng nghề, hình ảnh và tư liệu đấu tranh vũ trang của phụ nữ miền Nam,… cùng nhiều hiện vật và cổ vật quý giá khác.
Thời gian mở cửa: 07h30 – 11h00 & 13h30 – 16h30
Tọa lạc tại trung tâm thành phố với kiến trúc kết hợp hài hòa phong cách Á Đông và châu Âu, bảo tàng Mỹ Thuật thu hút sự quan tâm của những người yêu nghệ thuật. Hiện nay, bảo tàng đã trở thành trung tâm mỹ thuật lớn của Việt Nam, lưu trữ rất nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc và cổ vật mỹ thuật. Ngoài ra, đây cũng là bảo tàng có nhiều giai thoại nhất Việt Nam, đặc biệt là giai thoại li kỳ về “con ma nhà họ Hứa” thu hút sự tò mò của công chúng.
Thời gian mở cửa: 09h00 – 17h00 (thứ 2 nghỉ)
Bảo tàng Lực Lượng Vũ Trang Miền Đông Nam Bộ
Thường được gọi là Bảo tàng Quân khu VII, bảo tàng thuộc loại hình lịch sử quân sự có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, trưng bày, giới thiệu những tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu trưởng thành của quân và dân Quân khu VII trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt tại đây có một khu vực trưng bày khá thú vị, thu hút sự chú ý của khách tham quan, đó là phòng trưng bày vũ khí tự tạo của quân giới Nam Bộ. Đến đây, bạn sẽ được nhìn thấy những hình ảnh khá lạ lùng như: bốn du kích ôm hông nhau kéo căng một chiếc giàn thun khổng lồ để bắn lựu đạn. Cạnh đó là bức ảnh ba dũng sĩ cưa bom đang đối mặt với cái chết mà nét mặt vui phơi phới…và nhiều thứ vũ khí thô sơ nhưng hiệu quả khác, thể hiện sức sáng tạo trong chiến đấu của người Việt.
Thời gian mở cửa: 07h30 – 11h00 & 13h30 – 16h30
Đến làng du lịch Bình Quới, với 2 khu du lịch Bình Quới 1 và Bình Quới 2, du khách như lạc vào một làng quê thanh bình, cảm nhận đầy đủ về một không gian xanh tươi, gió thơm mùi cỏ cây hoa lá, đèn lồng dọc lối vào, hồ nước lấp lánh ánh hoa đăng. Những hàng dừa nước nghiêng mình bên dòng sông Sài Gòn thơ mộng, dòng kênh xanh mát.
Ở đây, bạn sẽ thấy lại những hình ảnh thân quen như xuồng ba lá, cây cầu khỉ gập ghềnh, chiếc lu nước, những ụ rơm nồng nàn hương vị đồng quê, những chiếc vó xinh xắn… được bài trí độc đáo, tất cả tạo nên một nét hấp dẫn riêng cho làng du lịch Bình Quới.
Khu du lịch Bình Quới 1 được nhiều người biết đến như một khu thư giãn và ăn uống theo phong cách Nam Bộ dân dã, mộc mạc. Với khoảng không gian xanh tươi, tĩnh lặng của những thảm cỏ non mượt mà, cùng bóng mát của những hàng dừa nước nghiêng mình bên dòng kênh Sở Nhật bao đời đã tạo nên một nét riêng cho Bình Quới. Tại đây có 55 phòng ngủ trang thiết bị hiện đại, ẩn mình dưới những tán cây rợp mát ven sông. Nhà hàng ở đây là địa chỉ tin cậy cho những cuộc liên hoan, chiêu đãi và rất nổi tiếng với những món nướng hay đặc sản Việt Nam. Hàng đêm tại khu du lịch có chương trình văn nghệ dân tộc độc đáo: “Lễ hội Kỳ Yên”, “ca nhạc tài tử Nam Bộ trên Ghe Hầư’, “đám cưới truyền thống Việt Nam”, ca nhạc dân tộc… Các chương trình văn nghệ này đã cuốn hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới xem.
Vị trí: Làng du lịch Bình Quới tọa lạc tại số 1147, đường Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh, trên bán đảo Thanh Đa bên bờ sông Sài Gòn, cách trung tâm thành phố 8 km về phía Bắc.
Khi nói đến Sài Gòn với những di tích kiến trúc có tính đặc trưng, độc đáo không ai không liên tưởng đến hội trường Thống Nhất (trước đây là dinh Độc Lập) với vai trò lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, vị trí được xác lập trong giao lưu kinh tế, chính trị, xã hội đối với toàn vùng Ðông Nam Á cũng như trên thế giới.
Dinh có diện tích 120.000m2 (300m x 400m), được giới hạn bởi bốn trục đường chính, đó là:
Khu nhà chính hình chữ T diện tích mặt bằng là 4.500m2, nằm ở vị trí trung tâm của khu đất. Đây từng là nơi ở và làm việc Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn. Khu này có ba tầng, hai gác lửng, một sân thượng, một tầng nền và một tầng hầm. Tổng diện tích sử dụng là 20.000m2 chia làm 95 phòng. Mỗi phòng có 1 chức năng riêng, kiến trúc và các trang trí phù hợp với mục đích sử dụng của mỗi phòng.
Khu nhà hai tầng phía đường Nguyễn Du, hiện nay là nơi làm việc của Ban Giám đốc Hội trường Thống Nhất.
Khu nhà hai tầng phía góc đường Nguyễn Du – Huyền Trân Công Chúa, trước 1975 là khu nhà ở của tiểu đoàn bảo vệ Dinh Độc lập. Sau 1975 là nơi ở của đại đội 1 trung đoàn cảnh vệ 180. Hiện nay khu này đã được cải tạo thành khu nhà khách của Văn phòng Chính phủ.
Khu nhà trệt phía góc đường Huyền Trân Công Chúa – Nguyễn Thị Minh Khai, trước 1975 là khu sinh hoạt của đội cận vệ phi hành đoàn lái máy bay cho Nguyễn Văn Thiệu và của bộ phận chăm sóc vườn cây.
Với những ý nghĩa lịch sử trọng đại, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc Hội khóa VI, ngày 25/6/1976 dinh Ðộc Lập đã được đổi tên thành hội trường Thống Nhất và được đặc cách xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa theo quyết định số 77A-VHQÐ ngày 25/6/1976.
Ngày nay, hội trường Thống Nhất là di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng được đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan. Mỗi năm, Dinh đón khoảng 500.000 du khách đến chiêm ngưỡng công trình kiến trúc và tìm hiểu về những giá trị lịch sử gắn liền. Thời gian mở cửa: Buổi sáng từ 07:30–11:00, buổi chiều từ 13:00–16:30
Vị trí: Hội trường Thống Nhất tọa lại 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bến Thành, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh