Ngay từ sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, giới chính khách tinh hoa của nước Mỹ đã nhận thức được rằng "Lục địa già" (chủ yếu là Anh và Pháp) đã không còn đủ tiềm lực để khống chế khu vực Trung Đông cũng như kiểm soát Bắc Phi và Tây Nam Á.

Israel cần Mỹ đỡ "đòn trừng phạt" từ các quốc gia láng giềng

Sau Chiến tranh thế giới thứ II, đã có tới hơn 6 triệu người Do Thái bị sát hại trong các trại tập trung (Holocaust) của Đức Quốc xã. Trong tiến trình bài Do Thái xuyên thế kỷ ấy, hàng vạn người Do Thái đã chạy tị nạn về Trung Đông, sang châu Mỹ và sang cả Trung Quốc. Trong những năm 1930-1945, khoảng 60 vạn người Do Thái từ châu Âu đã chạy về Trung Đông để tránh tai họa mà phát xít Đức giáng xuống.

Với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc năm 1947, người Do Thái đã sở hữu miền đất hứa như mong muốn. Khoảng hơn 3 triệu người còn đang còn sống rải rác khắp thế giới đã về vùng đất mà ngày nay là Israel, lập nên nhà nước Do Thái hiện đại. Tuy nhiên, sau trên dưới hai thiên niên kỷ, với biết bao "vật đổi sao dời", họ muốn tồn tại giữa những cựu thù không phải là điều dễ dàng.

Trước hết là gần như cả vùng Bắc Phi, Trung Đông và Tây Nam Á đã được Hồi giáo hóa. Mức độ Hồi giáo hóa sâu rộng ở khu vực là một trong các nguyên nhân căn bản nhất khiến các hiệp sĩ Thiên Chúa giáo châu Âu đại bại ở cả 9 cuộc Thập tự chinh trong gần 2 thế kỷ (1095-1272).

Hậu quả của 9 cuộc Thập tự chinh không chỉ là sinh mạng của hàng triệu chiến binh và tín đồ cùng hàng chục vạn dân thường mà còn đào sâu thêm hố ngăn cách giữa Hồi giáo với Thiên Chúa giáo cũng như các tín đồ Do Thái giáo. Đối với người Hồi giáo, Thập tự chinh là những cuộc xâm lăng đầy tàn bạo và dã man, còn những cuộc chiến đấu của họ đánh lại Thập tự quân gọi là Thánh chiến.

Tiếp theo là sự can thiệp nửa vời của các quốc gia phương Tây trong khối đồng minh chống phát xít vừa giành thắng lợi trước đó không lâu.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ cùng phe Hiệp ước với các đế quốc Đức và Áo - Hung trở thành những kẻ bại trận. Đế quốc Ottoman sụp đổ, bị phương Tây xâu xé, ngoại trừ lãnh thổ cũ là Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 24/7/1922, Hội Quốc Liên - tiền thân của Liên Hợp Quốc hiện nay - chấp thuận ủy nhiệm cho Pháp quản lý Syria còn Anh quản lý vùng Lưỡng Hà và Palestine.

Đường biên giới sẽ do các cường quốc tham gia đàm phán xác lập. Hai mươi năm sau, cùng với Syria, Li Băng và bán đảo Sinai, vùng đất Israel ngày nay trở thành "hậu phương" của lực lượng vũ trang Anh trong cuộc chiến với tập đoàn quân Bắc Phi của phát xít Đức trên chiến trường quan trọng này.

Các sử gia phương Tây thường quy kết rằng những người Ả rập đã vô cớ khơi mào cuộc chiến tranh 1948-1949 nhằm vào Israel. Tuy nhiên, mọi việc đều có nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của nó.

Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc thì ngày 22/7/1946, những người theo Chủ nghĩa phục thù Do Thái (Zionisme) trong các tổ chức Haganah, Irgun và Lehi là thủ phạm gây ra cuộc xung đột vũ trang đầu tiên ở Trung Đông chống lại người Ả rập và cả người Anh, những người đã cưu mang người Do Thái thoát khỏi các Holocaust do Đức Quốc xã dựng lên ở khắp châu Âu.

Sự việc nghiêm trọng khiến Liên Hợp Quốc phải xử lý bằng Nghị quyết số 181, phân chia Palestine thành hai quốc gia, Do Thái và Ả rập. Mỗi quốc gia sẽ bao gồm 3 vùng lãnh thổ chính, liên kết bởi các dải lãnh thổ đặc quyền hẹp. Người Ả rập - Palestine sở hữu vùng đất Jaffa nằm trong lãnh thổ của người Do Thái.

Tuy chỉ có 32% dân số nhưng người Do Thái lại có tới 56% lãnh thổ (tính cả hoang mạc Negev ở phía Nam). Trên lãnh thổ đó có 499.000 người Do Thái và 438.000 người Palestine cư trú. Người Palestine có 42% lãnh thổ, với dân cư gồm 818.000 người Palestine và 10.000 người Do Thái.

Vì tính chất tôn giáo phức tạp và nhạy cảm, Jerusalem (nơi được cho là có mộ Chúa Jesus), vùng đất chiếm 2% lãnh thổ này - bao gồm cả Bethlehem, nơi có 100.000 dân Do Thái và 100.000 dân Ả rập - được quản trị bởi Liên Hợp Quốc.

Bản đồ Israel cùng "đối thủ truyền kiếp" Iran và nơi có các lực lượng được Tehran ủng hộ đồn trú (Ảnh: Daily Mail).

Tuy Israel nắm trong tay lực lượng tinh nhuệ gần 30.000 binh sĩ được Anh huấn luyện trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai làm lực lượng dự bị tại mặt trận El Alamey, nhưng để đối phó với hơn 65.000 tay súng của Liên quân 6 nước Ả rập cộng với khoảng 10.000 chiến binh Palestine thì điều đó là không dễ.

Đặc biệt là khi rút khỏi Trung Đông, người Anh đã để lại cho người Ả rập các kho vũ khí lớn gồm xe tăng, xe bọc thép, pháo hạng nặng… Người Israel cần đến một đồng minh chính trị tin cậy cũng như một nhà cung cấp vũ khí ổn định.

Về hình thức, người Mỹ tuy đứng ngoài cuộc nhưng họ đã "bật đèn xanh" để những nhà tư sản Do Thái ở Mỹ quyên góp tiền bạc mua vũ khí gửi về nước. Người Do Thái khắp nơi trên thế giới cũng quyên góp tiền bạc gửi về nước, giúp chính quyền của Thủ tướng Bel Gurion có nguồn tài chính để ban hành lệnh tổng động viên và mua sắm vũ khí và trả lương binh sĩ.

Lực lượng tình báo OSS (tiền thân của CIA) có mặt tại Trung Đông cũng bí mật cung cấp thông tin tình báo về Liên quân Ả rập cho Lực lượng phòng vệ Israel (IDF).

Sau hàng chục chiến dịch và 2 cuộc ngừng bắn, chiến tranh kết thúc vào tháng 3/1949. Với trung gian hòa giải của Mỹ, Anh, Pháp và theo "sáng kiến" của Mỹ, Israel ký các hiệp ước ngưng bắn riêng rẽ với Ai Cập, Li Băng, Jordani, Syria. Theo các thỏa thuận này, biên giới mới của Israel, như theo thỏa thuận được ký kết, bao gồm 78% lãnh thổ ủy nhiệm Palestine.

Trong các cuộc chiến tranh giữa Israel với khối Ả rập - Trung Đông sau này như Chiến tranh 6 ngày (5-10/6/1967), Chiến tranh Yom Kippur (1973), Chiến tranh Israel - Hezbollah (2006), Chiến tranh Gaza lần thứ nhất (2014), Chiến tranh Gaza lần thứ hai (2023) và gần đây nhất là đòn tập kích trả đũa của Iran đêm 13, rạng sáng ngày 14/4, Israel đều được Mỹ và phương Tây hỗ trợ cả về chính trị, quốc phòng và kinh tế.

Trong các cuộc tập kích đường không lớn vào Iraq (1981), ném bom cảng Port Sudan (tháng 2/2009),… Israel đều nhận được các thông tin tình báo vệ tinh chính xác từ Mỹ.

Cơ quan đặc nhiệm Mossad của Israel được Tình báo Mỹ hỗ trợ đắc lực để thực hiện các vụ ám sát được gọi là "Chiến dịch Bayonet - Sự phẫn nộ của chúa trời" được tiến hành từ 1972 đến 1988 nhằm vào các quan chức cao cấp của PLO với cái cớ là để trả thù cho 11 vận động viên Israel bị sát hại tại Thế vận hội mùa hè Munchen năm 1972.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay trong đêm 13, rạng sáng ngày 14/4, sau khi Iran tổ chức đòn tấn công trả đũa (Ảnh: Getty).

Trong thời kỳ lập quốc, Israel hầu như phải tự mình trang trải tài chính bằng nguồn kiều hối từ người Do Thái ở nước ngoài chuyển về và tự lực cánh sinh hoàn toàn đối với nền sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

Nhưng từ sau khi Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ các quốc gia khối Ả rập, nhất là sau khi Đảng Xã hội chủ nghĩa Phục hưng Arab (đảng Ba'ath) lên cầm quyền ở Iraq, đảng Phục hưng Xã hội Ả rập - Syria (đảng Baath vùng Syria), Liên minh xã hội chủ nghĩa Ai Cập lên cầm quyền…, Israel được người Mỹ "quan tâm đặc biệt" và giành được nhiều sự hỗ trợ đắc lực từ Washington.

Ngay sau khi nhà nước Israel được thành lập, Washington đã cam kết hỗ trợ từ ngày 14/5/1948, gần như đồng thời với việc chính quyền Mỹ công nhận quốc gia này. Trong 75 năm (đến năm 2022), Mỹ đã cung cấp cho Israel hơn 158 tỷ USD viện trợ quân sự và hơn 102 tỷ USD viện trợ kinh tế, đồng thời đóng góp thêm khoảng 10 tỷ USD vào các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel, trong đó có Iron Dome (Vòm sắt).

Năm 2016, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã ký thỏa thuận về gói viện trợ quân sự tổng trị giá 38 tỷ USD cho Israel trong giai đoạn 2017-2028.

Tuy nhiên, đồng tiền không tự nó sinh ra sự phát triển. Để vươn lên thành quốc gia thứ 8 trên thế giới có năng lực phóng vệ tinh, Israel vẫn phải nhờ đến công nghệ tên lửa đẩy của Mỹ, mặc dù các nhà khoa học Mỹ gốc Do Thái cũng đóng góp rất nhiều vào việc phát triển công nghệ này.

Trong những năm tình hình Trung Đông ổn định đầu thế kỷ XXI, chính sách "mở cửa có chọn lọc" đối với Mỹ về kinh tế công nghệ cao đã thu hút một loạt các tập đoàn lớn của Mỹ bỏ vốn vào Israel nhằm phát huy nhân lực trí tuệ cao của người Do Thái.

Trong thương mại quốc tế thì đối tác xuất khẩu lớn nhất của Israel là Mỹ với 28,8% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu trung bình khoảng 60,6 tỷ USD/năm. Đối tác nhập khẩu lớn nhất của Israel cũng là Mỹ, chiếm tỷ lệ 11,7% trong tổng số kim ngạch nhập khẩu trung bình 66,7 tỷ USD/năm.

Xét về mọi mặt thì nhà nước Israel tồn tại được trong 75 năm qua một phần lớn nhờ vào tài trợ từ Mỹ, đặc biệt là trong những năm đầu đi lên gần như từ "con số không".

Mặc dù sau khi chuyển hướng tự do hóa kinh tế từ năm 1985 và thúc đẩy quan hệ kinh tế quốc tế phát triển, Israel vẫn phụ thuộc vào Mỹ không chỉ về kinh tế mà nhiều hơn còn là về quân sự và đặc biệt là về chính trị và ngoại giao.

Hầu hết các dự thảo nghị quyết lên án Israel trong các cuộc xung đột với thế giới Hồi giáo đều bị Mỹ phủ quyết, kể cả dự thảo nghị quyết lên án cuộc xâm lược năm 1967 của Israel tại bán đảo Sinai (Ai Cập), Cao nguyên Golan (Syria) và Thung lũng Beka (Li Băng). Sự hỗ trợ của Mỹ đối với Israel đã không ít lần "cứu giúp" họ thoát khỏi những "đòn trừng phạt" từ các quốc gia Ả rập láng giềng.

Một góc thành phố Tel Aviv xinh đẹp của Israel (Ảnh: Tickernews).